Hà Nội siết chặt quản lý chất lượng xây dựng nhà ở riêng lẻ

Nhằm siết chặt công tác quản lý, đầu tư xây dựng nhà ở riêng lẻ, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành công văn yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện tăng cường hướng dẫn và kiểm tra công tác quản lý chất lượng xây dựng nhà ở riêng lẻ

>>> Lý do nên chọn mua chung cư Lạc Hồng Lotus
>>> Vì sao dự án chung cư Vinata Tower thích mua tầng cao


Theo đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời những sai phạm về quản lý chất lượng xây dựng nhà ở riêng lẻ, tăng cường quản lý công tác cấp phép xây dựng và quản lý thi công xây dựng theo giấy phép đối với nhà ở riêng lẻ xây chen, đặc biệt là đối với các nhà ở riêng lẻ xây chen trong khu dân cư có nhà ở cũ.
Bên cạnh đó, UBND thành phố giao các quận, huyện, thị xã cần chủ động phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra các chủ thể tham gia xây dựng nhà ở riêng lẻ nghiêm chỉnh thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng và bảo trì nhà ở riêng lẻ. Đồng thời, chỉ đạo UBND cấp xã phổ biến, hướng dẫn cho các chủ thể tham gia xây dựng nhà ở riêng lẻ trên địa bàn biết và thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng xây dựng và bảo trì nhà ở riêng lẻ.
Phòng Quản lý đô thị, đội thanh tra xây dựng, UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng xây dựng và bảo trì nhà ở riêng lẻ đối với các chủ thể tham gia xây dựng nhà ở riêng lẻ trên địa bàn; kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.
Trong quản lý thi công xây dựng nhà ở riêng lẻ phải tuân thủ theo các quy định về công tác quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng được quy định tại Thông tư số 05/2015/TT-BXD của Bộ Xây dựng và các nội dung quy định tại Giấy phép xây dựng được cấp.
Ngoài ra, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng nhà ở phải thực hiện bảo trì nhà ở theo quy định; định kỳ tổ chức kiểm tra các bộ phận kết cấu chịu lực chính (mái, cột, dầm, sàn, tường chịu lực), hệ thống cơ - điện, hệ thống cấp thoát nước, kiểm định an toàn thang máy; có giải pháp xử lý, khắc phục ngay nhũng hư hỏng ảnh hưởng đên việc sử dụng và an toàn nhà ở.
Khi phát hiện nhà ở có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toản cho việc sử dụng, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng cần báo cáo ngay với chính quyền địa phương, tổ chức kiểm định chất lượng công trình (nếu cần thiết); thực hiện các biện pháp khẩn cấp như hạn chế hoặc ngừng sử dụng, di chuyển người và tài sản để đảm bảo an toàn nếu nhà ở có nguy cơ sập đổ.
Đoàn Quốc Hoàn
Theo Trí thức trẻ